Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng như người dân Việt Nam mà nói, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ vẫn còn là một khái niệm mới mẻ vừa đụng vừa mò là chính. Điều này cũng không khó hiểu khi quá trình thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại nước ta vẫn còn nhiều bất cập dù Việt Nam đã là một thành viên của tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ngay từ những năm 1976. Có thể dễ dàng kể ngay ra 3 trong số những điều nhầm lẫn dễ gặp nhất ngay dưới đây:
3 điều dễ nhầm lẫn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam – 1
1. Việt Nam chưa có luật sở hữu trí tuệ
Trên thực tế đây là một trong những nhầm lẫn đáng quan ngại nhất cần được sớm loại bỏ. Nhầm lẫn này có thể đến từ thực tế áp dụng luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam còn lỏng lẻo và bất cập, hay từ thói quen làm việc không quan tâm đến vấn đề bản quyền của không ít người. Một bộ phận khác khi nhắc đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì có thể kể đến ngay Công ước Berne hay công ước Paris nhưng lại khá mù mờ về sự hiện diện của một bộ luật riêng có thật tại Việt Nam.
Việt Nam đã có bộ luật riêng để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam được thông qua vào tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 01/07/2006. Trong đó quy định đầy đủ các vấn đề liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng, cũng như vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Thêm vào đó, vấn đề sở hữu trí tuệ và bản quyền cũng được đưa vào Bộ luật Dân sự Việt Nam năm 2005 để đảm bảo tính bao quát và thống nhất trong việc hành pháp.
3 điều dễ nhầm lẫn về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam – 2
2. Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu trong kinh tế
Do thuật ngữ sở hữu trí tuệ có phần mang tính học thuật cao nên cũng không ít người không biết rằng chúng có bao hàm cả vấn đề tác quyền hay bản quyền tác phẩm. Thật vậy, như đã trình bày ở trên, luật sở hữu trí tuệ Việt Nam bao hàm cả vấn đề bảo hộ quyền tác giả (của các tác phẩm văn hóa nói chung) lẫn các quyền về sở hữu công nghiệp (như thương hiệu, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng công nghiệp,…)
Mọi sản phẩm văn hóa là kết quả của quá trình tư duy sáng tạo của bộ óc con người như sách báo, tranh ảnh, bài hát, bản thu âm, ghi hình,… đều được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ tương đương với các sản phẩm trong kinh tế.
Các sản phẩm âm nhạc hiện nay cũng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ rất hiệu quả
3. Ông lớn luôn thắng thế
Rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam không coi trọng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bởi tư duy chỉ các doanh nghiệp lớn mới cá đủ khả năng và nguồn lực để làm việc đó, và nếu xảy ra tranh chấp thì đằng nào cũng là cá lớn nuốt cá bé.
Ngược lại hoàn toàn với quan niệm này, quyền sở hữu trí tuệ được tạo ra chính là nhằm bảo vệ cho bên yếu thế hơn trong các cuộc tranh chấp. Bằng việc đăng ký quyền tác giả hay quyền sở hữu trí tuệ đúng quy trình thì các cá nhân hay doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có được bằng chứng tốt nhất cho quyền sở hữu lên tác phẩm và tài sản trí tuệ của mình, tránh được tình trạng bị sao chép, ăn cắp hay lợi dụng sản phẩm trí tuệ của mình vào mục đích khác.
Kết luận:
Trong quá trình phát triển và hội nhập thì các nhầm lẫn kiểu này sẽ trở nên vô cùng tai hại và là một bất lợi lớn cho nước ta trên trường quốc tế. Hơn lúc nào hết, vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cần được tuyên truyền và phổ biến rộng rãi hơn cho tất cả người dân trên đất nước Việt Nam.