Cùng với việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức thương mại thế giới – WTO, một loạt cơ hội và thách thức mới đang được mở ra trước các doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đó, để có thể tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp buộc phải tìm kiếm những giả pháp tối ữu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong một môi trường kinh doanh mang tính chất quốc tế như cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hạ giá thành sản phẩm, cung ứng dịch vụ… Trong đó, việc xây dựng các phương thức kinh doanh mới nhằm thu hút khách hàng tiêu thụ đang được nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đặc biệt ưu tiên. Bấy lâu nay, quyền sở hữu trí tuệ đối với phương pháp kinh doanh được bảo hộ dưới phương pháp bí mật thương mại. Tuy nhiên, hình thức bảo hộ này đang tỏ ra không thực sự hữu hiệu trước sự xâm phạm của vấn nạn gián điệp kinh tế hoặc thậm chí là suy luận ngược(1). Bởi vậy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang nỗ lực hết sức trong việc tìm kiếm giải pháp bảo hộ độc quyền sáng chế đối với phương pháp kinh doanh mới nhằm tận dụng tối đa khoảng thời gian 20 năm độc quyền khai thác các lợi ích kinh tế từ ý tưởng sáng tạo của mình.
I. Phương pháp kinh doanh – một tài sản trí tuệ quan trọng của doanh nghiệp.
Hoạt động sáng tạo là một trong những hoạt động cơ bản nhất của con người. Khởi đầu từ những quan sát về thế giới tự nhiên, con người đã biết dựa vào bản năng sáng tạo của chính mình để giải quyết các vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Nếu như trong những thế kỷ trước đây, tài nguyên thiên nhiên, lao động và tiền vốn được coi là các nhân tố quyết định hàng đầu đến sự phát triển kinh tế của một quốc gia nói chung và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nói riêng, thì hiện nay, điều đó đã không còn dúng nữa. Nhiều nhà học giả và nhà nghiên cứu trên thế giới đã đưa ra nhận định: Thế kỷ 21, nền kinh tế xây dựng bằng gạch vữa sẽ được thay thế bằng nền kinh tế của các ý tưởng sáng tạo. Trong đó, khoa học công nghệ, ý tưởng và phương pháp kinh doanh sẽ đóng vai trò quyết định đến sự sống còn của doanh nghiệp.
Hiện nay, trên thế giới, việc xuất hiện các hình thức kinh doanh mới hay nói chính xác hơn là các phương pháp kinh doanh mới đang ngày càng trở nên phổ biến. Sức hút từ mô hình kinh doanh “cực đại” của các doanh ngheiepj phân phối hàng hóa ở Nhật Bản, chế độ “one click” trên trang web mua sắm nổi tiếng Amazon.com hoặc phương pháp “khách hàng tự sáng tạo” của Nike…đã cho thấy lợi thế cạnh tranh từ việc nắm giữ các ý tưởng kinh doanh sáng tạo của doanh nghiệp là vô cùng to lớn. Không phải ngẫu nhiên, ngày càng có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra hàng nghìn, thậm chí là hàng triệu đô la mới năm để tiếp cận các phương pháp kinh doanh hiện đại và hiệu quả thông qua các hợp đồng franchise (hay còn gọi là hợp đồng nhượng quyền thương mại). Đặc biệt, đối với các nền kinh tế chuyển đổi đang ở thời kỳ đầu của quá trình hội nhập quốc tế tương tự như Việt Nam, các chuyên gia kinh tế đã khuyến nghị các doanh nghiệp dựa vào các ý tưởng, phương pháp kinh doanh mới để tạo ra lợi thế cạnh tranh trước sức ép từ phía các công ty đa quốc gia hoặc các đối thủ có tiềm lực lớn đến từ những nền kinh tế phát triển.
II. Thực tiễn bảo hộ phương pháp kinh doanh theo hình thức bí mật thương mại
Bấy lâu nay, hình thức bảo hộ được các quốc gia trên thế giới áp dụng phổ biến nhất cho đối tượng phương pháp kinh doanh chủ yếu là theo cơ chế bảo hộ bí mật kinh doanh. Theo Khoản 23, Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, “Bí mật kinh doanh là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh”. Đặc trưng của cơ cơ chế bảo hộ bí mật kinh doanh là hình thức bảo hộ tự động, trong đó người nắm giữa bí mật kinh doanh có nghĩa vụ bắt buộc phải bảo mật thông tin bằng các nghĩa vụ ràng buộc về mặt pháp lý. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đứng ra can thiệp khi bí mật kinh doanh bị những người có nghĩa vụ bảo mật tiết lộ trái phép. Pháp luật không giới hạn thời gian bảo hộ đối với bí mật kinh doanh, ngoại trừ trường hợp thông tin đó không còn là bí mật do đã trở thành hiểu biết thông thường qua việc suy luận ngược. Tuy nhiên, hình thức bảo hộ này không được các doanh nghiệp đánh giá cao, đặc biệt là khi áp dụng cho đối tượng phương pháp kinh doanh.
Thực vậy, việc thực hiện các biện pháp bảo mật đối với quy trình, phương pháp kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, do tính chất đặc thù đối tượng thường một số lượng chủ thể rất lớn có khả năng và / hoặc bắt buộc phải được tiếp cận như hệ thống quản lý, nhân viên công ty, đối tác kinh doanh… Nhiều người trong số đó do không hiểu biết đúng tầm quan trọng của thông tin mà mình đang nắm giữ đã vô tình tiết lộ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp ra bên ngoài. Vụ việc hãng kinh doanh đồ uống lớn nhất thế giới – Cocacola- bị chính nhân viên của mình “vô tình” tiết lộ bí quyết kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh, hiện đang được tòa án Hoa Kỳ xét xử là một ví dụ. Thậm chí, có không ít trường hợp doanh nghiệp đã bị mất quyền kiểm soát đối với phương pháp kinh doanh do bản thân mình đầu tư sáng tạo sau khi thực hiện việc chuyển quyền thương mại franchise. Điều này cho thấy, mức độ rủi ro có khả năng xảy ra đối với bí mật kinh doanh của doanh nghiệp là hết sức to lớn. Chính vì những lý do nêu trên, các doanh nghiệp đã bắt đầu hướng đến một cơ chế bảo hộ “an toàn” hơn cho một tài sản trí tuệ vô cùng quan trọng của mình.
III. Giải pháp bảo hộ độc quyền sáng chế đối với phương pháp kinh doanh
Ý tưởng bảo hộ độc quyền sáng chế đối với phương pháp kinh doanh mới được bắt đầu hình thành và pháp triển mạnh vào những năm cuối thế kỷ 20. Khởi đầu từ những giải pháp hệ thống tự động tính cước điện thoại và tính tiền bán hàng trước thập niên 90 đến hệ thống giao dịch tài chính vào những năm 1999…, các quyết định xem xét và tiến hành cấp bằng độc quyền sáng chế đối với phương pháp kinh doanh ở một số quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Singapore…, đã và đang có ảnh hưởng sâu sắc đến những quan điểm truyền thống về “dấu hiệu kỹ thuật” của sáng chế vốn đã tồn tại phổ biến hàng trăm năm nay trên thế giới. Nếu so với cơ chế bảo hộ bí mật kinh doanh, bằng độc quyền sáng chế đảm bảo hầu như tuyệt đối lợi thế cạnh tranh mà chủ sở hữu có được từ việc khai thác các ý tưởng kinh doanh sáng tạo của mình. Nhận xét về các lợi ích của Bằng độc quyền sáng chế đối với phương pháp kinh doanh, chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Priceline (2) phát biểu : “Bằng độc quyền sáng chế là yếu tố quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Princeline.com vì chúng tăng cường và mở rộng vị thế cạnh tranh của chúng tôi” (theo Forbes, Walker Digital Corporation anh Princeline.com). Tuy nhiên, điều đáng tiếc là việc thừa nhận và cấp bằng độc quyền sáng chế cho đối tượng phương pháp kinh doanh chưa thực sự phổ biến trên thế giới. Mặc dù hiện nay, một số quốc gia như Hàn Quốc, Liên minh Châu Âu đã có những động thái tích cực như ban hành Điều lệ xét nghiệm sáng chês đối với các giải pháp liên quan đến phương pháp kinh doanh… nhưng khả năng thực thi vấn đề này nhìn chung còn rất hạn chế.
Một câu hỏi được rất nhiều doanh nhân nước ngoài đặt ra khi đến Việt Nam để triển khai kế hoạch đầu tư ở thị trường hơn 80 triệu dân này là : bằng cách nào để mở được “cánh cửa thiên đường” của hệ thống bảo hộ độc quyền sáng chế cho đối tượng phương pháp kinh doanh tại Việt Nam? Theo khoản 2, Điều 59 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005, sơ đồ, kế hoạch, quy tắc và phương pháp để thực hiện các hoạt động trí óc, huấn luyện vật nuôi, thực hiện trò chơi, kinh doanh là những đối tượng thuộc đối tượng bị loại trừ khả năng bảo hộ độc quyền sáng chế. Bởi vậy, nếu nội dung dải pháp yêu cầu bảo hộ chỉ đề cấp đơn thuần đến đối tượng quy trình hoặc phương pháp thực hiện các hoạt động kinh doanh, đơn yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế tất yếu sẽ bị từ chối khả năng bảo hộ. Để vượt qua được thiếu sót này, doanh nghiệp cần phải đảm bảo được các dấu hiệu kỹ thuật là một phần không thể tách rời trong quy trình thực hiện mô hình kinh doanh cần được bảo hộ. Giải pháp thường được ưu tiên lựa chọn để đảm bảo yếu tố kỹ thuật cho các phương pháp hoặc quy trình thực hiện hoạt động kinh doanh là gắn liền các trình tự hoạt động với sự hỗ trợ của hệ thống máy tính đã được lập trình sẵn. Ví dụ, hệ thống siêu thị tương tác ảo cho phép khách hàng tự thiết kế quần áo, giày dép bằng cách ứng dụng công nghệ màn hình cảm ứng thực chất là một phương pháp kinh doanh độc đáo tăng cường khả năng lựa chọn của khách hàng thông qua công nghệ máy tính. Bằng cách đó, phương pháp kinh doanh đã được bảo vệ dưới một “lớp áo kỹ thuật” tương đối an toàn để có thể tránh được những yêu cầu nghiêm ngặt của hệ thống bảo hộ sáng chế. Thực tế là, giải pháp này đã được nhiều cơ quan xét nghiệm sáng chế trên thế giới chấp thuận, kể cả cơ quan sáng chế Châu Âu, nơi vẫn được coi là tương đối bảo thủ trong việc tiếp cận các xu hướng mới. Nhược điểm của giải pháp này là không thể áp dụng một cách rộng rãi cho mọi quy trình, phương pháp thực hiện hoạt động kinh doanh. Do đó, phần lớn những người nắm giữ các phương pháp kinh doanh mới bắt buộc phải áp dụng các phương pháp “tự bảo vệ” truyền thống như kiểm soát chặt chẽ các khâu trọng yếu nhất trong giải pháp kinh doanh hoặc ký kết các hợp đồng không tiết lộ thông tin…Bởi vậy, để hướng đến một tương lai lâu dài hơn, đã đến lúc chúng ta cần phải xem xét một cách nghiêm túc đối với vấn đề này, đặc biệt là khi Việt Nam đang hướng đến việc xây dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh, tạo cơ hội cho mọi thành phần kinh tế pháp huy tối đa nội lực phát triển của mình.
Thay cho lời kết, tôi xin được mượn lời của Tiến sỹ Khamil Idris(3) bình luận về hiện tượng “chia rẽ” của thế giới về bảo hộ độc quyền sáng chế đối với phương pháp kinh doanh: “Quyền sở hữu đối với phương pháp kinh doanh trên thị trường toàn cầu sẽ thuộc về những doanh nghiệp ở các nước tích cực ủng hộ loại bằng độc quyền sáng chế đó, trong khi doanh nghiệp ở những nước không ham chuộng phương pháp kinh doanh hoặc chưa đề cập đến vấn đề đó sẽ bị tụt hậu”(4)
vụ việc hãng Cocacola bị tiết lộ bí mật kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh PEPSI vào năm 2006 đang làm cho các doanh nghiệp dấy lên mối lo ngại về hiệu quả thực sự của cơ chế bảo hộ thông tin bí mật.
priceline.com là một trang web được thiết lập dựa trên việc ứng dụng phương pháp kinh doanh được phần mềm hỗ trợ đã được cấp bằng độc quyền sáng chế
tổng giám đốc Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.
Khamil Idris; Trang 113, Sở hữu trí tuệ – một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế.
Sưu tầm