Trong quá khứ, đã từng có nhiều câu chuyện liên quan đến việc tranh chấp về nhãn hiệu giữa các doanh nghiệp tại Việt Nam điển hình như tranh chấp nhãn hiệu Trung Nguyên, Vifon, Petro VietNam, Vinataba…Đặc biệt thời gian gần đây, mâu thuẫn giữa nhà sáng lập và người nhận là chủ vận hành công ty mang thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc nhận được sự chú ý của dư luận. Bên cạnh những thông tin giữa các cá nhân liên quan, dư luận đồng thời đặt ra nhiều vấn đề tiêu cực đến thương hiệu Phở Thìn cùng với việc sở hữu về nhãn hiệu. Đây được coi là một trong những bài học đắt giá của các doanh nghiệp về đăng ký bảo hộ nhãn hiệu trên thị trường.
Đối với người dân Hà Nội, món ẩm thực nổi tiếng không thể không nhắc tới là Phở Thìn. Thế nhưng, lại có tới 2 “thương hiệu” Phở Thìn khác nhau khiến người dân lầm tưởng là cùng chủ mặc dù trên thực tế 2 “thương hiệu này không hề liên quan đến nhau. Cuộc tranh chấp về sở hữu thương hiệu “Phở Thìn” ở Lò Đúc nổ ra khiến nhiều người chú ý.
Khoảng năm 1954, quán phở Thìn Bờ Hồ được mở do ông Bùi Chí Thìn (1928-2001) làm chủ. Và cho tới nay, hàng phở này vẫn chỉ sở hữu 1 địa chỉ duy nhất tại 61 đường Đinh Tiên Hoàng – quận Hoàn Kiếm – Hà Nội do vợ chồng anh Bùi Chí Thành là cháu trai của ông đang tiếp quản. Năm 2019, phở Thìn Bờ Hồ ghi dấu ấn trở thành cái tên được lựa chọn để phục vụ cho 3.000 phóng viên trong và ngoài nước nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Triều.
Một thương hiệu Phở Thìn khác với địa chỉ Lò Đúc – quận Hai Bà Trưng. Quán phở này ra đời năm 1979 do ông Nguyễn Trọng Thìn gây dựng cho tới nay hiện đã nổi tiếng tầm cỡ quốc tế và đặc biệt vào đầu năm 2019, phở Thìn Lò Đúc gây được tiếng vang khi khai trương mở chi nhánh tại Nhật Bản. Ông Nguyễn Trọng Thìn – chủ quán phở Thìn 13 Lò Đúc chia sẻ: “Hồ sơ bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) của nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc đã được bảo hộ ở Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ. Hiện tôi đã nhượng quyền 5 cửa hàng ở Nhật Bản, Mỹ có một cửa hàng, Úc một cửa hàng, Indonesia cũng có một cửa hàng. Khi nhượng quyền tôi đều có luật sư để làm rõ những ràng buộc theo hợp đồng, cốt là bảo vệ cái minh bạch. Tôi không hiểu sao không được bảo hộ ở trong nước, khi đây là nơi biết rõ tôi nhất”.
Theo thông tin tại website của Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, thương hiệu Phở Thìn Lò Đúc chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ do văn bằng nhãn hiệu này đã được cấp cho một quán phở trên phố Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), được biết đến với tên Phở Thìn Bờ Hồ. Ngoài những lùm xùm liên quan, một vấn đề khác được quan tâm đặc biệt hiện nay là việc xảy ra tranh chấp giữa ông Nguyễn Trọng Thìn (“cha đẻ” của Phở Thìn 13 Lò Đúc) với “truyền nhân” là ông Đoàn Hải Trung xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Cụ thể, theo thông tin từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Đoàn Hải Trung là người đại diện pháp luật và có vốn góp lớn tại 3 công ty liên quan tới “hệ sinh thái Phở Thìn”. Đây đều là những pháp nhân mới thành lập từ năm 2021 tới nay. Nhưng ngược lại, ông Thìn khẳng định chưa bao giờ đồng ý góp vốn thành lập công ty cùng ông Đoàn Hải Trung như thông tin hiển thị trên đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, cả ông Nguyễn Trọng Thìn và Đoàn Hải Trung đều chưa nhận được quyền bảo hộ nhãn hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.
Việc tranh chấp thương hiệu không chỉ diễn ra tại thị trường trong nước, một bài học đắt giá đối với các doanh nghiệp Việt Nam khi muốn mở rộng thị trường tại nước ngoài, điển hình chính là cuộc chiến giành lại thương hiệu đầy gian nan của Trung Nguyên trên thị trường Mỹ.
Năm 2000, có lẽ sẽ không bao giờ quên đối với ông chủ của Trung Nguyên – Đặng Lê Nguyên Vũ khi phải mua lại nhãn hiệu cuả chính mình trên thị trường nước Mỹ. Nguyên nhân là do khi chưa tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu, công ty Trung Nguyên vẫn trong giai đoạn tiếp xúc và thương thảo với công ty Rice Field để đưa sản phẩm sang thị trường Mỹ. Tuy nhiên, công ty Rice Field của Mỹ đã đăng ký bảo hộ cho thương hiệu cà phê Trung Nguyên với cơ quan chức năng Mỹ và tổ chức Bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO).
Phải mất tới 2 năm, tiêu tốn hàng trăm nghìn USD, Trung Nguyên mới lấy lại được thương hiệu của mình. Sau sự cố trên, Trung Nguyên đã ngay lập tức tiến hành đăng ký bảo vệ thương hiệu tại 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên vào năm 2010, Trung Nguyên lại thêm một lần nữa dậy sóng bởi vụ tranh chấp tên miền trungnguyen.com.au (tên miền quốc gia của Australia) với thương hiệu Highlands Coffee. Không dừng lại ở đó, Trung Nguyên tiếp tục để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Bản quyền Legend Coffee hiện đã được một người tên Alexander Nguyễn đăng ký và không hề có liên quan gì đến Trung Nguyên – Văn phòng về bằng sáng chế và thương hiệu Mỹ (USPTO) cho biết.
Các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu quan tâm đến doanh thu, lợi nhuận trong khi điều quan trọng nhất là bảo vệ tài sản trí tuệ lại khá mơ hồ. Điều quan trọng nhất của doanh nghiệp là nâng cao tính chuyên nghiệp cho mình, ngoài việ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ không chỉ trong mà cả ngoài nước. Chính việc chậm trễ trong đăng ký chứng nhận độc quyền trên thị tr ường đã khiến cho rất nhiều doanh nghiệp thậm chí cả các doanh nghiệp tập đoàn lớn bị mất thương hiệu hoặc phải tốn rất nhiều công sức, chi phí đòi lại.
Thực tế, thủ tục đăng ký bảo vệ thương hiệu không hề mất thời gian và khó khan. Điều quan trọng nhất chính là nhận thức được việc bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp để hoàn thành các thủ tục nhanh chóng.