Thông tư số 12/2008/TT-BTC (Thông tư 12) ra đời nhằm hướng dẫn quy trình, thủ tục tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu xử lý các vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong Thông tư 12, Bộ Công thương quy định rõ các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ bị xử lý hành chính gồm các vụ việc vi phạm về quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý và sao chép lậu trong thị trường nội địa. Sau đây là một số nội dung chính.
Các trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính
Theo Thông tư 12, xâm phạm quyền và giả mạo hàng hóa là 2 hành vi xâm phạm quyền sỡ hữu trí tuệ sẽ bị cơ quan quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính. Các chủ thể sau có quyền yêu cầu cơ quan quản lý thị trường xử phạt vi phạm hành chính:
– Trường hợp xâm phạm quyền, đối tượng được yêu cầu là chủ thể quyền/ người đại diện hợp pháp của chủ thể quyền, và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại, hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền SHTT gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội đối với các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh và chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi.
– Trường hợp giả mạo hàng hóa, ngoài hai chủ thể nêu trên, cơ quan quản lý thị trường có thể chủ động kiểm tra, xử lý hành vi kinh doanh hàng hóa giả mạo mà không cần có yêu cầu của các chủ thể đã nêu nếu phát hiện ra hành vi vi phạm gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội đối với hàng hóa có tầm ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội: lương thực, thực phẩm, phân bón, thuốc thú y…
Hành vi sao chép lậu sản phẩm văn hóa thông tin cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về quyền sở hữu trí tuệ.
Trường hợp xử phạt không do cơ quan quản lý thị trường thụ lý
Cơ quan quản lý thị trường sẽ không tiếp nhận, thụ lý và giải quyết đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và kinh doanh hàng hóa giả mạo trong các trường hợp:
– Vụ việc đang đuợc các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm bằng biện pháp hành chính, hình sự hoặc dân sự khác.
– Vụ việc đang có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ và phạm vi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
– Vụ việc có dấu hiệu phạm tội nên cơ quan quản lý thị trường chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan có thẩm quyền để điều tra, khởi tố hình sự.
– Vụ việc xâm phạm quyền đã hết thời hiệu xử phạt hành chính (2 năm kể từ ngày xảy ra hành vi);
– Không thuộc thẩm quyền xử lý.
Hồ sơ yêu cầu xử lý cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ:
Thông thường, hồ sơ yêu cầu xử lý vụ việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ gồm: Đơn yêu cầu xử lý; tài liệu, chứng cứ phù hợp với tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý và các nội dung yêu cầu xử lý theo quy định/chứng cứ về thiệt hại/chứng cứ, hiện vật là hàng hóa giả mạo theo quy định tùy từng trường hợp yêu cầu; kết luận giám định (nếu có); bản sao có chứng thực quyết định, bản án có hiệu lực của Toà án hoặc quyết định xử phạt của cơ quan có thẩm quyền khác (nếu có); và các tài liệu khác tùy từng trường hợp.
Cục Quản lý Thị trường và chi cục quản lý thị trường có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý mọi hồ sơ ban đầu yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm quyền và hàng hoá giả mạo sở hữu trí tuệ. Các trường hợp giả mạo sở hữu trí tuệ, vi phạm đã được xử lý và hành vi xâm phạm quyền gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc xã hội như được quy định tại Thông tư 12 sẽ do đội quản lý thị trường giải quyết.
Còn các trường hợp sau, sẽ do Cục Quản lý Thị trường thụ lý giải quyết:
– Xâm phạm quyền, hàng hoá giả mạo có nhiều tình tiết phức tạp.
– Có nhiều quan điểm nhận định khác nhau về một vụ việc.
– Liên quan đến nhiều cơ quan; xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố.
– Không có đủ yếu tố xác định vi phạm, sau khi hướng dẫn hướng dẫn các bên liên quan giải quyết tại toà án, nhưng chủ thể quyền vẫn khiếu nại, yêu cầu ra quyết định xử phạt.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo (22/10/2008).
Sưu tầm