Hiện nay các nhóm khởi nghiệp (start-up) trẻ mọc lên nhan nhản nhưng có thể thấy phần lớn trong số đó khi mới bắt đầu hình thành ý tưởng thì chỉ lo thành lập doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư để bắt đầu kinh doanh sao cho nhanh mà chưa nghĩ đến đường dài, không quan tâm đến các vấn đề như đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Đây là một quan niệm quá sức non nớt và cũng từ đó phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp.
Phần 1: Sự thờ ơ nguy hiểm
Khởi nghiệp start-up là hướng đi được nhiều người trẻ lựa chọn do khả năng sinh lời nhanh, tính mạo hiểm cao phù hợp với tuổi trẻ và là cơ hội tốt để rèn luyện bản thân. Chính vì tính nhanh nhạy ai trước thì thắng của hình thức này mà nhiều người trẻ chỉ chăm chăm làm sao cho ra công ty thật nhanh, bán được sản phẩm thật nhanh chứ không tính đến chuyện đường dài. Trong khi đó, rất nhiều trong số các start-up này đi lên từ một ý tưởng độc đáo của người chủ, có thể là ý tưởng về sản phẩm, dịch vụ, bao bì, cải tiến công nghệ,… mà hầu như cái nào trong số đó cũng có khả năng được bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cả.
Các start-up mọc lên như nấm nhưng lại không quan tâm đến vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ
Anh Phạm Minh Công, Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thiết bị tự động SE, start-up với công nghệ sản xuất máng ăn cho heo tự động đã giành giải Ba toàn quốc Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Sinh viên 2017, chia sẻ: Khi mới hình thành ý tưởng ban đầu, anh chỉ tập trung xây dựng đội nhóm, phát triển sản phẩm và quảng bá rộng rãi trên thị trường mà quên mất mình vẫn chưa xác lập bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Rất may sản phẩm của anh sau đó một thời gian vẫn chưa có ai nhanh tay đăng ký trước nên anh có thời gian để đẩy nhanh hoàn thiện quá trình này trước khi quá muộn.
Không được may mắn như trường hợp anh Công, một doanh nghiệp start-up khác (xin giấu tên) có ý tưởng về phần mềm phục vụ pha chế, gọi món tại các cửa hàng ăn uống, nhà hàng (lĩnh vực phần mềm hay app di động cũng đang vô cùng phổ biến trông cộng đồng start-up). Ý tưởng thực tiễn này đã giành nhiều giải cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau khi sản phẩm đã hoàn thiện, bắt đầu tiến hành kêu gọi đầu tư và thành lập doanh nghiệp thì mới ngỡ ngàng phát hiện ra là phần mềm của mình đã bị một nhóm khác làm giống y hệt và đăng tải nhiều trên các báo chí. Lúc này nếu không nhanh tay tiến hành bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thì nguy cơ mất trắng là rất cao. Một thành viên của doanh nghiệp này chia sẻ: “Trước khi thành lập doanh nghiệpthì một số thành viên cũng đã nghĩ đến việc đăng ký bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhưng vì quá nhiều việc bận rộn và nguồn vốn lúc đầu còn hạn hẹp nên nghĩ cũng không sao và cứ gác chuyện hồ sơ đăng ký qua một bên. Đến lúc ý tưởng bị “đánh cắp”, mọi người mới tá hỏa lên không biết phải làm sao đành chạy khắp nơi cầu cứu người quen xin giải quyết. Rất may nhờ sự trợ giúp của nhiều phía mà doanh nghiệp đã nhanh tay xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho phần mềm của mình trước bên kia.”
Chỉ cần chậm một bước thôi là quyền sở hữu trí tuệ có thể rơi vào tay người khác
Một vấn đề khác cũng nổi cộm, theo anh Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Hekate, start-up với công cụ chatbot sử dụng trí thông minh nhân là việc trong quá trình đăng ký, có quá nhiều vấn đề và thủ tục khá rắc rối khiến các doanh nghiệp non trẻ thiếu kinh nghiệm nản chí. Doanh nghiệp nhỏ của anh đã phải chọn cách tìm đến một chính thể có hệ thống pháp luật hoàn thiện hơn (đặc biệt là cho lĩnh vực công nghệ thông tin) là Singapore để nhờ trợ giúp.
Với tình hình đó, việc tự bảo vệ mình và đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp start-up trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
(còn tiếp)
Thẻ:luat so huu tri tue, quyen so huu tri tue, so huu tri tue la gi