Ngày 30/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, theo đó, Nghị định số 105/2006/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung một số điểm chính sau đây:
Về cơ bản,phạm vi điều chỉnh của Nghị định vẫn được giữ nguyên. Riêng các nội dung của Chương IV (“xử lý xâm phạm bằng biện pháp hành chính”) đã sửa đổi theo hướng quy định chung để áp dụng cho việc xử lý xâm phạm quyền bằng tất cả các biện pháp dân sự, hành chính và hình sự; mà không bao gồm các quy định áp dụng riêng đối với biện pháp hành chính, bởi vì các quy định về xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính đã được điều chỉnh bởi các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng.
Nội dung khoản 1Điều 14 về xác định các yếu tố xâm phạm quyền đối với giống cây trồng đã được sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 3 và Điều 187 của Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009.
Khoản 1 Điều 23 đã được sửa đổi để có thể áp dụng chung cho việc xử lý vâm phạm quyền bằng cả biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Do đó, nội dung các điểm c, d, đ và e của khoản này đã bị bãi bỏ (do chỉ quy định áp dụng riêng đối với việc xử lý xâm phạm quyền bằng biện pháp hành chính).
Quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 24 về các chứng cứ chứng minh chủ thể quyền đối với một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng đã được sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm phù hợp với yêu cầuđơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 02/6/2010 của Chính phủ. Cụ thể là các quy định liên quan đến việc nộp bản gốc của các giấy tờ, tài liệu chứng minh chủ thể quyền đã được thay thế bằng quy định nộp bản sao tài liệu kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp nộp bản sao đã được chứng thực theo quy định.
Nội dung khoản 1 và khoản 2 Điều 28 đã được sửa đổi nhằm mục đích có thể áp dụng chung cho việc xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng cả biện pháp dân sự, hành chính và hình sự. Các cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự có thể căn cứ vào quy định về việc xác định hàng hóa xâm phạm và giá trị của hàng hóa xâm phạm nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều này để quyết định mức phạt và các biện pháp xử lý phù hợp đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Thời hạn cơ quan hải quan có trách nhiệmxử lý đơn yêu cầu kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ nêu tại Điều 36 đã được rút ngắn từ 30 ngày xuống 20 ngày, phù hợp với yêu cầu đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 25/NQ-CP của Chính phủ.
Khoản 1 Điều 39 đã được sửa đổi nhằmxác định rõ ràng và chính xác hơn các vấn đề thuộc phạm vi nội dung giám định sở hữu trí tuệ, khắc phục những quy định còn chồng chéo, không rõ ràng và không chính xác trước đây. Tại Điều này cũng bổ sung khoản 3, quy định trách nhiệm của các bộ hữu quan (Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) trong việc hướng dẫn cụ thể về hoạt động giám định trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của mình.
Các quy định về điều kiện thành lập tổ chức giám định sở hữu trí tuệ tại Điều 42 được sửa đổi nhằm bảo đảm phù hợp với khoản 2 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung ngày 19/6/2009). Nội dung của Điều 43 cũng đã được sửa đổi nhằm xác định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ, khắc phục những điểm khiếm khuyết, bất hợp lý trong quy định trước đây.
Khoản 3 Điều 50 đã được sửa đổi nhằm xác định đầy đủ hơn các trường hợp có thể tiến hành giám định lại, bổ sung quy định việc thành lập Hội đồng tư vấn để lấy ý kiễn chuyên môn về các vấn đề cần giám định. Để xác định đúng bản chất và giá trị pháp lý của văn bản kết luận giám định, khoản 1 Điều 51 đã bổ sung quy định nêu rõ văn bản kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền tham khảo khi giải quyết vụ việc, đó không phải là kết luận về hành vi xâm phạm hoặc kết luận về vụ tranh chấp có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ.
Để nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước và hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tại khoản 1 Điều 55 đã bổ sung quy định một điểm (điểm e) về trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hữu quan trong việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu, thiết lập mạng thông tin quốc gia về quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Sưu tầm