Ngày 10.04.2010, Công Ty Truyền Thông Châu Á tổ chức chương trình Hội thảo “Nên hay Không nên nhận Nhượng quyền Thương mại – Franchise” bắt đầu từ 08:30 đến 12:00 tại Khách sạn Đại Nam, 79 Trần Hưng Đạo, Quận 1, Tp. HCM.
Nhượng quyền thương mại là một hình thức kinh doanh đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Đã có nhiều khái niệm được nêu ra của nhiều trường phái khác nhau nhằm giải thích, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện họat động kinh doanh nhượng quyền đạt hiệu quả. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quan điểm và môi trường kinh tế, chính trị, xã hội giữa các quốc gia, nên các khái niệm này thường khác nhau.
Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của các hệ thống nhượng quyền quốc tế, đã xuất hiện các hệ thống nhượng quyền của Việt Nam như: Cà phê Trung nguyên, Phở 24, Qualitea, Hệ thống chuỗi Bakery Kinh Đô… đã làm cho bức tranh thị trường của Việt Nam càng trở nên hấp dẫn.
Chương trình được chia sẻ từ 2 diễn giả:
– Ông Võ Đức Duy – Luật sư / Thạc Sỹ Luật học Nghiệp Đoàn Luật Hoa Kỳ.
– Ông Vương Hữu Hùng – Cố vấn Chiến Lược Kinh Doanh / TGĐ Freshview.
Hai diễn giả đã giới thiệu những kiến thức căn bản về nhượng quyền cũng như chia sẽ nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực mua bán nhượng quyền thương mại.
1. Nhượng quyền thương mại là gì?
Theo Luật thương mại năm 2005 (có hiệu lực ngày 1.1.2006) tại mục 8, điều 284: Nhượng quyền thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhượng quyền cho phép và yêu cầu bên nhận quyền tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo các điều kiện sau đây:
1. Việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ được tiến hành theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định và được gắn với nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền;
2. Bên nhượng quyền có quyền kiểm soát và trợ giúp cho bên nhận quyền trong việc điều hành công việc kinh doanh.
Qui định này yêu cầu bên nhượng quyền phải công khai đầy đủ các thông tin mà bên muốn nhận nhượng quyền cần để đưa ra quyết định đúng là nên hay không nên đầu tư vào hình thức kinh doanh này. Về khung pháp lý cho hoạt động nhượng quyền thương mại, Chính phủ đã ban hành Nghị định 35/2006/NĐ-CP và BTM ban hành Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn chi tiết đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại tại Việt Nam. Ngoài ra, nếu việc nhượng quyền thương mại có liên quan đến việc chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu trí tuệ hoặc chuyển giao công nghệ, thì hoạt động nhượng quyền còn phải chịu sự điều chỉnh bổ sung của Luật Sở hữu trí tuệ ban hành năm 2005, Luật Chuyển giao Công nghệ (năm 2006).
Nhượng quyền, về cơ bản, là một hoạt động thương mại trong đó, bên nhận nhượng quyền thương mại (Franchisee) trả phí nhượng quyền ban đầu thanh toán một lần và phí hàng tháng cho bên nhượng quyền (Franchisor). Đổi lại, bên nhận được sử dụng thương hiệu, và được hỗ trợ thường xuyên từ bên nhượng quyền, và quyền sử dụng hệ thống kinh doanh cũng như bán các sản phẩm và cung ứng dịch vụ của bên nhượng quyền.
2. Nhượng quyền thương mại có lợi gì?
Những lợi ích cho bên nhận quyền thương mại (Franchisee):
– Kinh doanh một thương hiệu có uy tín với số vốn đầu tư nhỏ.
– Giảm thiểu các rủi ro do không phải đầu tư xây dựng một thương hiệu mới.
– Sản phẩm, dịch vụ và hệ thống họat động được chuẩn hóa.
– Hệ thống tài chính và số sách kế toán được thực hiện theo một chuẩn mực.
– Được đào tạo, huấn luyện về quản lý và kinh doanh.
– Hỗ trợ từ các chương trình tiếp thị và khuyến mãi của thương hiệu.
– Quảng cáo tại nơi bán hàng.
– Các họat động hỗ trợ trọn gói, thống nhất .
– Có phương pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm đồng bộ…
Những lợi ích của bên nhượng quyền thương mại (Franchisor):
– Mở rộng được quy mô kinh doanh và hệ thống phân phối của mình một cách nhanh nhất.
– Giảm chi phí phát triển thị trường và thêm nguồn thu ổn định từ khoản phí nhượng quyền.
– Tạo dựng cho một hệ thống liên kết mạnh về thương mại và tài chính.
– Thâm nhập và thăm dò hiệu quả đầu tư trên các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí rủi ro thấp nhất.
– Tận dụng nguồn lực “địa phương” để thâm nhập hiệu quả vào thị trường nội địa của các quốc gia đang phát triển mà không phải đối mặt với bất kỳ một rào cản thương mại hoặc pháp lý nào…
3. Chi phí nhượng quyền như thế nào?
Các khoảng chi phí liên quan đến hoạt động nhượng quyền gồm có: Chi phí ban đầu (Upfront/ Initial Fee), Chi phí hoạt động hàng tháng (Royal Fee)… Trong ngôn ngữ nhượng quyền, thuật ngữ “Franchise Fee” thường được hiểu là khoản phí ban đầu (Up-front/ Initial Fee) mà Franchisee phải trả cho Franchisor khi ký kết hợp đồng nhượng quyền. Đó là khoản định phí khá lớn (vài chục ngàn đô la) dành cho việc gia nhập có thời hạn hệ thống thương hiệu nhượng quyền. “Royal Fee” còn được gọi là “Continuing Royalty” là những chi phí Franshisee phải trả định kỳ (tuần, tháng, quí …) cho Franchisor theo một quy trình liên tục trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Phí này có thể biến động tùy thuộc vào từng thương hiệu và Franchisor, được tính toán dựa trên tỷ lệ phần trăm doanh thu của Franchisee (thông thường dao động từ 3% đến 8%). Ngoài ra, các nhà đầu tư sẽ phải chịu thêm các khoản phí khác như “Advertising Fee” – khoảng phí được tính trên doanh thu tương tự như Royalty Fee, chi phí thuê luật sư tư vấn, chi phí về đầu tư cơ sở vật chất/ địa điểm, trang thiết bị, nhà kho, chi phí hoạt động…
4. Các hình thức nhượng quyền phổ biến:
– Single Franchise: Nhượng quyền đơn lẻ.
– Master Franchise: Nhượng toàn quyền.
– Area Development Franchise: Nhượng quyền phụ trách phát triển khu vực.
– Joint Venture: Nhượng quyền liên doanh (tham gia đầu tư vốn).
5. Những lưu ý về nhượng quyền thương mại:
Để có được một hợp đồng nhượng quyền, bên nhượng quyền cần phải xuất trình cho bên nhận nhượng quyền một bản tài liệu ban đầu về các nguyên tắc chung của hợp đồng nhượng quyền, hiện được gọi là FDD (Franchise Disclosure Document), (trước năm 2007 được gọi là Uniform Franchise Offering Circular – UFOC).
Hợp đồng nhượng quyền thương mại thường được ví von giống như một cuộc hôn nhân và có thời gian khá dài từ 5 năm đến 20 năm, đòi hỏi hai bên đối tác phải có thời gian chuẩn bị và nghiên cứu thật kỹ đầy đủ và chi tiết các điều khoản trước khi ký kết hợp đồng chính thức, gồm: Nội dung của quyền thương mại; Tổng vốn đầu tư ban đầu; Quyền và nghĩa vụ của hai bên; Giá cả, phí nhượng quyền định kỳ, phương thức thanh toán; Nhãn hiệu và tài sản trí tuệ; Thời hạn hiệu lực của hợp đồng; Phạm vi lãnh thổ qui định nhượng quyền; Gia hạn, chấm dứt, đổi chủ hợp đồng và giải quyết khiếu nại, tranh chấp, phá sản (nếu có)…
Lưu ý: Doanh nhân không nên đầu tư vào nhượng quyền mà không có sự hậu thuẫn từ luật sư có kinh nghiệm trong lãnh vực này; và đối với nhà nhượng quyền thì chỉ nên bán Franchise cho người có lòng tin.
– Đối với bên nhận nhượng quyền:
+ Không phải là thương hiệu riêng của mình.
+ Chia sẽ rủi ro kinh doanh của bên nhượng quyền.
+ Sự bùng nỗ của các đối thủ cạnh tranh trong cùng hệ thống.
+ Hoạt động kinh doanh theo khuôn khổ được qui định trước.
+ Không phát huy được khả năng sáng tạo trong kinh doanh.
+ Giúp thương hiệu của bên nhượng quyền ngày càng lớn mạnh…
– Đối với bên nhượng quyền:
+ Mất quyền kiểm soát và quyền năng trong kinh doanh.
+ Sự tranh chấp của các cơ sở kinh doanh.
+ Thiên vị cho một bên nhận nhượng quyền nào đó.
+ Hoạt động không kém của một đơn vị sẽ ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu…
Cùng với sự phát triển của các hệ thống nhượng quyền quốc tế nổi tiếng tại Việt Nam như Jollibee, KFC, Lotte, Parkson, Hard Rock Coffee… thì sự xuất hiện các hệ thống nhượng quyền của Việt Nam như cà phê Trung Nguyên, Phở 24, Bakery Kinh Đô… và đặc biệt có những thương hiệu Việt Nam tích cực nhượng quyền ra nước ngoài, làm cho bức tranh thị trường Việt Nam ngày càng trở nên hấp dẫn. Theo số liệu từ Vụ Pháp chế – Bộ Công Thương, tính đến tháng 11 năm 2009, đã có 39 thương hiệu nước ngoài đăng ký hoạt động nhượng quyền tại Việt Nam. Hầu hết đều là thương hiệu của các doanh nghiệp lớn đến từ các nước phát triển như Anh, Mỹ, Canada, Thụy Sỹ, Italia, Australia… Riêng tại TP.HCM, hiện có 11 thương hiệu nhượng quyền đã đăng ký hoạt động chính thức tại Sở Công thương.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, Việt Nam đang là thị trường đầy tiềm năng cho các nhiều nhà đầu tư quốc tế. Trong đó, nhượng quyền thương mại đang là một trong những loại hình kinh doanh được các nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên lựa chọn nhằm nhanh chóng thâm nhập vào thị trường hơn 85 triệu dân tại Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt trên đường hội nhập quốc tế; đồng thời, cũng là thách thức cho các thương hiệu Việt trong tình hình cạnh tranh thị trường hiện nay.
Sưu tầm