Trong xu thế mà tỷ lệ giá trị các tài sản vô hình so với các tài sản hữu hình của doanh nghiệp ngày càng tăng, theo thiển ý, doanh nghiệp nên sớm tổ chức bộ phận quản trị nhãn hiệu của mình, có thể gồm chỉ một hoặc vài quản trị viên nhãn hiệu (brand manager/director), hoặc hoạt động độc lập, hoặc biên chế vào một trong các bộ phận khác như marketing, phát triển sản phẩm, quản trị công nghệ…
1. Khái niệm về nhãn hiệu
Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng phân biệt hàng hóa, dịch vụ cùng loại của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Nhãn hiệu hàng hóa có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc. Nhãn hiệu được coi là một loại tài sản vô hình của người hoặc công ty thực hiện hoặc sản xuất và là một trong các đối tượng sở hữu công nghiệp được pháp luật bảo hộ.
2. Mối quan hệ giữa nhãn hiệu và thị trường mục tiêu.
Hiểu rõ các lĩnh vực kinh doanh của mình đang trong giai đoạn phát triển nào là cơ sở quan trọng trong việc vận dụng các kỹ thuật kinh điển của marketing như xác định thị trường, phân mảng thị trường (segmentation), xác định thị trường mục tiêu (target market), định vị nhãn hiệu (positioning)…
Bên cạnh đó, ít nhất nhà quản trị cũng cần xác định được một cách định tính mức độ gây áp lực của các lực cạnh tranh khác nhau trên thị trường đối với nhãn hiệu của mình, và không thể không quan tâm đến một số thách thức đương đại như: vai trò của các nhãn hiệu phân phối, thương mại điện tử, hàng giả và hàng nhái…
Từ đó, việc phát triển các tuyến sản phẩm mới và theo đó là tuyến nhãn hiệu tương ứng, hoặc việc xác định khả năng mở rộng phổ sản phẩm của nhãn hiệu sẽ được giải quyết một cách có hệ thống hơn, các công cụ của marketing mix được vận dụng một cách có hiệu quả hơn trên các mặt: truyền thông, quảng cáo, khuyến mãi… cho từng nhãn hiệu cũng như cho cả tập nhãn hiệu (brand portfolio) và tập biểu tượng của phong cách kinh doanh (thương hiệu – logo – nhãn hiệu).
Như vậy, việc phân tích thời cơ và nguy cơ trên thị trường thường không tách rời với việc phân tích điểm mạnh và điểm yếu trong chuỗi giá trị của DN, và là cơ sở xác định các lợi thế riêng có trên các mặt thương mại, tài chính, pháp lý, công nghệ,… mà theo một phương thức quản trị thích ứng, có thể giúp hình thành nên mặt giá trị thứ năm của nhãn hiệu.
Sưu tầm