Các quyền nhân thân được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản (khoản 1, 2 và 4) và quyền nhân thân gắn với tài sản (khoản 3). Trong đó khoản 4 Điều 19 quy định tác giả có quyền “bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Việc sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không nhận được sự đồng ý của tác giả cũng như hành vi xuyên tạc tác phẩm là sự xâm phạm đến sự toàn vẹn tác phẩm và quyền nhân thân của tác giả. Đây là những hành vi bị nghiêm cấm theo khoản 5 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, quy định về quyền nhân thân này tồn tại một bất cập: Theo khoản 4 Điều 19, cần phải chứng minh sự sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc tác phẩm phải gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả mới bị coi là vi phạm. Như vậy, giả sử một người thực hiện hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm của người khác (mà không nhận được sự đồng ý của người đó) nhưng lại chứng minh được là hành vi đó không gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả, thậm chí còn làm cho tác phẩm hay hơn thì không vi phạm khoản 4 Điều 19.
Đây rõ ràng là một bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) liên quan đến quyền nhân thân của tác giả. Bất cập này hiện đã được Nghị định 22/2018/NĐ-CP[xvii] khắc phục. Cụ thể, khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018 hướng dẫn “Quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật sở hữu trí tuệ là việc không cho người khác sửa chữa, cắt xén tác phẩm hoặc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính trừ trường hợp có thoả thuận của tác giả”.
Như vậy, cho dù việc sửa chữa tác phẩm có làm tác phẩm trở nên hay hơn nhưng nếu không nhận được sự đồng ý và cho phép của tác giả thì cũng là hành vi vi phạm. Nếu không có sự thỏa thuận với tác giả thì mọi hành vi sửa chữa, cắt xén tác phẩm đều bị coi là xâm phạm quyền nhân thân của tác giả. Sở dĩ khoản 3 Điều 20 Nghị định 22/2018 chỉ nói đến vấn đề sửa chữa, cắt xén tác phẩm mà không đề cập đến việc xuyên tạc tác phẩm vì dĩ nhiên xuyên tạc luôn là hành vi mang tính tiêu cực và luôn gây phương hại đến tác giả nên không thể có sự thỏa thuận ở đây.
Mặc dù đã có quy định của Nghị định 22/2018 khắc phục bất cập của khoản 4 Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nhưng thiết nghĩ điều này chỉ mang tính lấp “lỗ hổng” tạm thời cho Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành. Trong tương lai, khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ mới chúng ta nên sửa đổi lại Khoản 4 Điều 19 theo hướng bỏ cụm từ “gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả”.
Để bảo vệ chứng cứ hoặc ngăn chặn thiệt hại quá mức có thể xảy ra xuất phát từ hành vi vi phạm thì khi khởi kiện hoặc sau khi khởi kiện, chủ thể quyền tác giả có quyền yêu cầu Toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời được quy định tại Điều 207 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009). Theo Điều 206 Luật này, biện pháp khẩn cấp tạm thời được Tòa án xem xét áp dụng theo yêu cầu của chủ thể quyền trong các trường hợp sau: (i) Đang có nguy cơ xảy ra thiệt hại không thể khắc phục được cho chủ thể quyền; (ii) Hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc chứng cứ liên quan đến hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có nguy cơ bị tẩu tán hoặc bị tiêu huỷ nếu không được bảo vệ kịp thời.
Các biện pháp khẩn cấp tạm thời được áp dụng bao gồm: thu giữ; kê biên; niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển; cấm chuyển dịch quyền sở hữu và các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của BLTTDS.
Đối với việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, hiện nay đang tồn tại sự thiếu thống nhất giữa pháp luật tố tụng dân sự và pháp luật sở hữu trí tuệ. Cụ thể, theo Khoản 1 Điều 136 BLTTDS 2015, người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp khoản bảo đảm “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng để bảo vệ lợi ích của người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Trong khi đó, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đã giới hạn giá trị của khoản bảo đảm mà bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải nộp không phải là một khoản “tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại” mà bên bị áp dụng có thể phải gánh chịu mà là một khoản tiền bằng “20% giá trị hàng hoá cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tối thiểu hai mươi triệu đồng nếu không thể xác định được giá trị hàng hóa đó” (khoản 2 Điều 208 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành).
Về vấn đề này, theo quan điểm của tác giả, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) nên quy định thống nhất với BLTTDS. Theo đó, khoản bảo đảm cho việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên tương đương với tổn thất hoặc thiệt hại có thể phát sinh do hậu quả của việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng. Việc quy định như vậy sẽ giúp bảo vệ tốt hơn cho bên bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng.
6.Về giới hạn số tiền trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần
Khi bị hành vi xâm phạm quyền tác giả gây thiệt hại, tác giả có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại tinh thần nhưng phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ. Thiệt hại về tinh thần bao gồm các tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả. Tùy vào mức độ tổn thất về tinh thần do hành vi vi phạm gây ra, Tòa án quyết định mức bồi thường thiệt hại cho tác giả. Tuy nhiên, mức bồi thường thiệt hại tinh thần theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) bị giới hạn ở cả mức tối thiểu và mức tối đa. Cụ thể, khoản 2 Điều 205 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) giới hạn mức tối thiểu (5 triệu đồng) và mức tối đa (50 triệu đồng).
Theo quan điểm của chúng tôi, việc giới hạn mức yêu cầu bồi thường tối thiểu 5 triệu đồng là không thật sự hợp lý. Bởi lẽ trong nhiều trường hợp tác giả bị tổn thất về danh dự, uy tín bởi hành vi xâm phạm nhưng họ chỉ yêu cầu một mức bồi thường mang tính tượng trưng sau khi đã được bên vi phạm xin lỗi, cải chính công khai.
Còn nếu tác giả yêu cầu mức bồi thường từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng thì phải chứng minh số tiền yêu cầu này là có căn cứ. Tuy nhiên, việc chứng minh thiệt hại bao nhiêu và rằng số tiền yêu cầu bồi thường tương xứng với mức độ thiệt hại thực tế là một vấn đề rất khó khăn, nhất là đối với thiệt hại về tinh thần. Vì vậy theo quan điểm tác giả, chúng ta chỉ nên giới hạn số tiền được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần đối với mức tối đa (50 triệu đồng) mà không nên giới hạn đối với mức tối thiểu (5 triệu đồng).
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) được ban hành thể hiện những nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng. Tuy nhiên, văn bản luật này hiện còn tồn tại nhiều bất cập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nêu ra và phân tích một số điểm còn hạn chế, bất cập trong lĩnh vực quyền tác giả; đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện. Cụ thể gồm các vấn đề sau: (i) Về khái niệm tác phẩm (Khoản 7 Điều 4); (ii) Về các loại hình tác phẩm được bảo hộ (Khoản 1 Điều 14); (iii) Về nguyên tắc cạn quyền trong lĩnh vực quyền tác giả; (iv) Về quyền nhân thân trong quyền tác giả (Điều 19); (v) Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (Khoản 2 Điều 208); (vi) Về giới hạn số tiền trong yêu cầu bồi thường thiệt hại về tinh thần (Khoản 2 Điều 205).
Để chế định quyền tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ hoàn thiện hơn, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập còn tồn tại để đưa ra hướng giải quyết nhằm bảo hộ tốt hơn quyền của các chủ thể trong lĩnh vực này.
Nguồn biên soạn