Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ và các văn bản liên quan, các loại hình tác phẩm sau sẽ được bảo hộ quyền tác giả.
1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm được thể hiện bằng các ký hiệu thay cho chữ viết như chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự khác mà các đối tượng tiếp cận có thể sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau. Đăng ký bản quyền tác phẩm viết
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác là loại hình tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.
c) Tác phẩm báo chí;
Tác phẩm báo chí bao gồm các thể loại: phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.
d) Tác phẩm âm nhạc;
Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.
đ) Tác phẩm sân khấu;
Tác phẩm sân khấu là tác phẩm thuộc các loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm kịch (kịch nói, nhạc vũ kịch, ca kịch, kịch câm), xiếc, múa, múa rối và các loại hình tác phẩm sân khấu khác.
e) Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự là những tác phẩm được hợp thành bằng hàng loạt hình ảnh liên tiếp tạo nên hiệu ứng chuyển động kèm theo hoặc không kèm theo âm thanh, được thể hiện trên một chất liệu nhất định và có thể phân phối, truyền đạt tới công chúng bằng các thiết bị kỹ thuật, công nghệ, bao gồm loại hình phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình và các loại hình tương tự khác.
g) Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
Tác phẩm tạo hình là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục như: hội hoạ, đồ hoạ, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện tương tự, tồn tại dưới dạng độc bản. Riêng đối với loại hình đồ hoạ, có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.
Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất hàng loạt bằng tay hoặc bằng máy như: biểu trưng; hàng thủ công mỹ nghệ; hình thức thể hiện trên sản phẩm, bao bì sản phẩm.
h) Tác phẩm nhiếp ảnh;
Tác phẩm nhiếp ảnh là tác phẩm thể hiện hình ảnh của thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra hay có thể được tạo ra bằng bất cứ phương pháp kỹ thuật nào (hoá học, điện tử hoặc phương pháp khác).
Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh hay tương tự như điện ảnh không được coi là tác phẩm nhiếp ảnh mà là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.
g) Tác phẩm kiến trúc;
Tác phẩm kiến trúc là các bản vẽ thiết kế dưới bất kỳ hình thức nào thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình xây dựng, quy hoạch không gian (quy hoạch xây dựng) đã hoặc chưa xây dựng. Tác phẩm kiến trúc bao gồm các bản vẽ thiết kế về mặt bằng, mặt đứng, mặt cắt, phối cảnh, thể hiện ý tưởng sáng tạo về ngôi nhà, công trình, tổ hợp công trình kiến trúc, tổ chức không gian, kiến trúc cảnh quan của một vùng, một đô thị, hệ thống đô thị, khu chức năng đô thị, khu dân cư nông thôn.
Mô hình, sa bàn về ngôi nhà, công trình xây dựng hoặc quy hoạch không gian được coi là tác phẩm kiến trúc độc lập.
k) Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
m) Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.
2. Tác phẩm phái sinh chỉ được bảo hộ theo quy định tại khoản 1 Điều này nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
3. Tác phẩm được bảo hộ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.
Sưu tầm