Luật Sở hữu trí tuệ – Bất cập và hướng hoàn thiện ( Phần 1 )
ThS. NGUYỄN TRỌNG LUẬN (Khoa Luật Dân sự, Đại học Luật TPHCM) – Sự ra đời của Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2005 được xem là một bước tiến lớn trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Tuy nhiên, do được soạn thảo và ban hành một cách gấp rút để đáp ứng tiêu chuẩn gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO nên tồn tại nhiều sai sót và bất cập.
Một năm sau, tức năm 2006, Chính phủ đã phải ban hành một loạt các Nghị định hướng dẫn Luật, trong đó có Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan[i]. Đến năm 2009, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.[ii]
Qua hơn 10 năm thực thi, Luật Sở hữu trí tuệ đã đóng góp tích cực vào việc bảo hộ tài sản trí tuệ của các tổ chức, cá nhân ở Việt Nam. Tuy nhiên, văn bản pháp luật này hiện còn tồn tại nhiều bất cập cần phải khắc phục để hoàn thiện hơn. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ ra một số hạn chế, bất cập về quyền tác giả trong các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và từ đó đề xuất giải pháp hoàn thiện.
Tác phẩm là đối tượng được bảo hộ bởi quyền tác giả. Do vậy, một định nghĩa đầy đủ, chuẩn xác về tác phẩm chính là cơ sở quan trọng để xác định đối tượng đang xem xét có được bảo hộ bởi quyền tác giả hay không. Khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) định nghĩa tác phẩm như sau: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Định nghĩa này chưa làm nổi bật những dấu hiệu then chốt, quan trọng để một sản phẩm sáng tạo được coi là tác phẩm. Thứ nhất, tác phẩm chính là sản phẩm sáng tạo “tinh thần” của con người. Pháp luật sở hữu trí tuệ Pháp[iii] sử dụng thuật ngữ “tác phẩm tinh thần”[iv] để nhấn mạnh các tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Tác phẩm tinh thần có thể được hiểu như một sản phẩm của sự sáng tạo trí tuệ, phi vật chất được thực hiện trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học của con người.
Như vậy, sản phẩm trong các lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học muốn được xem là tác phẩm thì trước hết đó phải là sự sáng tạo về mặt tinh thần của con người thông qua quá trình lao động trí tuệ. Thứ hai, tác phẩm muốn được pháp luật bảo hộ thì phải thể hiện được “dấu ấn cá nhân” của tác giả trong tác phẩm. Thật vậy, tác phẩm chính là sự phản ánh thế giới khách quan thông qua lăng kính chủ quan của tác giả. Do đó, tác phẩm phải là sản phẩm sáng tạo riêng có của cá nhân tác giả, phải thể hiện “màu sắc” riêng của tác giả, do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình.
Tòa án Pháp luôn chú trọng đến yếu tố này khi đánh giá một tác phẩm có được bảo hộ hay không. Án lệ Pháp sử dụng các thuật ngữ “le sceau de la personalité de l’auteur”[v], “la marque de la personalité de son auteur”[vi] hay “l’empreinte de la personnalité de l’au te ur”[vii] đều có ý để khẳng định một tác phẩm phải “mang dấu ấn cá nhân của tác giả”. Trong pháp luật Pháp, thuật ngữ “tính nguyên gốc” (l’originalité) thường được sử dụng để nói đến “dấu ấn cá nhân của tác giả” trong tác phẩm được bảo hộ.
Về đặc điểm được “thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào” trong định nghĩa tác phẩm tại khoản 7 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), có quan điểm cho rằng nên sửa đổi lại thành “thể hiện bằng một hình thức vật chất nhất định” để phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 6; đồng thời để tránh gây hiểu nhầm rằng khoản 7 Điều 4 xác định tác phẩm được bảo hộ dù cho nó được thể hiện dưới bất kỳ dạng nào, hình thức nào chứ không nhất thiết phải định hình dưới một hình thức vật chất và như vậy là mâu thuẫn với khoản 1 Điều 6.
Tuy nhiên, theo quan điểm chúng tôi thì cách hiểu này là không đúng. Thứ nhất, quy định của khoản 7 Điều 4 là phù hợp với quy định về tác phẩm trong Công ước Berne năm 1886. Khoản 1 Điều 2 Công ước này xác định: “Tác phẩm văn học và nghệ thuật bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật, bất kỳ được biểu hiện theo phương thức hay dưới hình thức nào”. Thứ hai, tác phẩm là sáng tạo có thể được thể hiện bằng hai hình thức: hình thức vật chất (như trên giấy, trên các chất liệu tương tự, trên gỗ, trên ổ đĩa, trên các phương tiện kỹ thuật số) hoặc hình thức phi vật chất (như lời nói). Nhưng chỉ những tác phẩm nào được định hình dưới một hình thức vật chất mới được pháp luật Việt Nam bảo hộ[viii]. Còn những tác phẩm được thể hiện bằng hình thức phi vật chất (như bài giảng, bài nói, bài phát biểu) muốn được pháp luật bảo hộ thì phải được định hình bằng một hình thức vật chất nhất định. Như vậy, khoản 7 Điều 4 (định nghĩa tác phẩm) và khoản 1 Điều 6 (xác định căn cứ để tác phẩm được bảo hộ) không mâu thuẫn nhau.
Từ những lập luận trên, tác giả đề xuất sửa đổi lại định nghĩa tác phẩm như sau: “Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo tinh thần, mang tính nguyên gốc trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào”.
Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học, nghệ thuật và pháp luật hầu hết các quốc gia đều sử dụng phương pháp liệt kê để xác định phạm vi các loại hình tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả. Công ước Berne sử dụng thuật ngữ “Các tác phẩm văn học và nghệ thuật” với nội hàm bao gồm tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực văn học, khoa học và nghệ thuật.[ix] Ngoài các tác phẩm gốc, tác phẩm được sáng tạo dựa trên tác phẩm đã có cũng được bảo hộ. Những tác phẩm như vậy được gọi chung là tác phẩm phái sinh.
Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) xác định các loại hình tác phẩm bằng phương pháp liệt kê 12 loại hình tác phẩm được bảo hộ từ điểm a đến điểm m Khoản 1. Ưu điểm của phương pháp liệt kê là sự cụ thể, rõ ràng; tuy nhiên nhược điểm của phương pháp này ở chỗ không có khả năng bao quát và do vậy rất dễ dẫn đến thiếu sót khi liệt kê các loại hình tác phẩm được bảo hộ.
Thật vậy, với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, sẽ có nhiều loại hình tác phẩm mới ra đời và được bảo hộ bởi quyền tác giả chứ không chỉ dừng lại ở các loại hình được liệt kê tại khoản 1 Điều 14. Chẳng hạn như cơ sở dữ liệu (tiếng Anh: database, tiếng Pháp: base de données), tác phẩm đa phương tiện (tiếng Anh: multimedia works, tiếng Pháp: œuvres multimédias), tác phẩm in typo (tiếng Anh: typography, tiếng Pháp: œuvres typographiques), tác phẩm in litô (tiếng Anh: lithography, tiếng Pháp: œuvres de lithographie).
Liên quan đến quyền sao chép và phân phối tác phẩm, nhiều nước còn đề cập đến “lý thuyết về sự cạn quyền”[x] hay “học thuyết về lần bán đầu tiên”[xi]. Thuyết cạn quyền cho rằng khi một sản phẩm (hay hàng hóa) nào đó được sản xuất dựa trên các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như quyền tác giả (bản quyền), nhãn hiệu, sáng chế,… và được đưa ra thị trường lần đầu tiên bởi chính chủ sở hữu của các quyền sở hữu trí tuệ đó hay dưới sự cho phép của họ thì chủ sở hữu của các quyền sở hữu trí tuệ sẽ không còn quyền kiểm soát, can thiệp vào quá trình lưu thông tiếp theo của những sản phẩm, hàng hóa này[xii].
Lý thuyết này được áp dụng cả trong lĩnh vực quyền tác giả lẫn trong lĩnh vực quyền sở hữu công nghiệp. Ví dụ trong Luật Sở hữu trí tuệ Pháp, lý thuyết cạn quyền của tác giả được hiểu như sau: “Kể từ lần bán đầu tiên của một hoặc nhiều bản sao (dưới hình thức đã được định hình) của tác phẩm với sự cho phép của tác giả hay chủ sở hữu quyền, việc bán lại các bản sao này không thể bị cấm bởi các chủ thể quyền”[xiii]. Sở dĩ có quy định như vậy là do tác giả hay chủ sở hữu quyền đã được nhận một khoản đền bù tương xứng để cho phép việc sao chép và phân phối các bản sao tác phẩm đến công chúng nên họ không có quyền kiểm soát việc lưu hành các bản sao này trên thị trường nữa. Nói cách khác quyền của chủ thể quyền tác giả đã bị “cạn kiệt” kể từ khi các bản sao tác phẩm được đưa ra thị trường một cách hợp pháp lần đầu tiên.
Quy định như vậy nhằm tạo thuận lợi cho sự tự do lưu thông các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học trên thị trường[xiv]. Ở châu Âu, người ta gọi đây là nguyên tắc tự do lưu thông tác phẩm[xv]. Ví dụ, một tác giả đồng ý để một nhà xuất bản tại Pháp được phép thương mại hóa cuốn sách của mình bằng việc xuất bản ra thị trường 10.000 bản sao. Đổi lại, tác giả được nhận một khoản đền bù tương xứng. Kể từ thời điểm đó, tác giả không có quyền kiểm soát việc người khác lưu thông, phân phối như thế nào đối với các bản sao này tại thị trường chung châu Âu (trừ phi có hành vi vi phạm quyền tác giả như sao chép tác phẩm được bảo hộ). Như vậy, mọi người có quyền bán lại, tặng cho, cho thuê, cho thuê lại,… các bản sao tác phẩm mà không cần sự đồng ý của tác giả.
Trong các quy định về quyền tác giả của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, chúng ta không tìm thấy bất cứ quy định nào về “nguyên tắc cạn quyền”. Trong khi đó lại có quy định cấm “xuất khẩu, nhập khẩu, phân phối bản sao tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả”[xvi] không kèm theo ngoại lệ nào. Chính điều này gây ra cách hiểu rằng pháp luật quyền tác giả Việt Nam không thừa nhận nguyên tắc cạn quyền.
Đây rõ ràng là một thiếu sót mà Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành của Việt Nam đang mắc phải. Trái lại, khác với các quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp tại khoản 2 Điều 125 Luật Sở hữu trí tuệ lại ghi nhận nguyên tắc cạn quyền, theo đó chủ thể quyền sở hữu công nghiệp sẽ không có quyền cấm người khác “lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp”.
Nguồn biên soạn