Thị trường điện ảnh Việt Nam có tiềm năng to lớn nhưng giá trị thu về của điện ảnh Việt vẫn còn khá khiêm tốn.
Cụ thể, giá trị toàn thị trường phim Việt chiếm 20 – 30% thị trường phim ảnh năm 2016 đạt 125 triệu USD, vẫn quá nhỏ trên quy mô gần 100 triệu dân.
Mặc dù tiềm năng rất lớn nhưng hiện thị trường giải trí phim Việt Nam đang vấp phải những thách thức lớn do phim Việt chỉ có cách phát hành ở rạp chiếu phim mà không thể phát hành ở các kênh khác như băng, đĩa… Bởi vấn đề bản quyền cực kỳ lỏng lẻo, băng đĩa lậu tràn ngập.
Trong khi đó ở Mỹ doanh thu từ rạp của các studio phim Mỹ chỉ chiếm 21% tổng doanh thu phát hành, phần lớn nhất, chiếm 49%, đến từ sản phẩm home video (DVD/Blu ray và VOD).
Một trong những khó khăn trong công tác sản xuất phim của các hãng phim trong nước chính là vấn đề bản quyền. Thực trạng thực tế các hãng phim ở Việt Nam thường sản xuất phim với kinh phí rất thấp và chủ yếu dành cho thị trường trong nước. Vì vậy, vấn đề pháp lý trong việc sản xuất phim là một trong những điểm ít được lưu tâm và là điểm yếu của quá trình sản xuất phim. Hầu hết các hợp đồng hay thỏa thuận của các hãng phim trong mọi khâu đều chỉ dùng những văn bản đơn giản tối đa từ 1- 2 trang, chủ yếu có ghi giá cả, nội dung công việc sơ bộ rất chung chung.
Việc không quan tâm nhiều tới vấn đề pháp lý của một đoàn phim trở thành một thực tiễn quen thuộc trong việc sản xuất phim tại Việt Nam. Khái niệm bản quyền của các tác phẩm là của ai thường ít ghi trong các hợp đồng hoặc thậm chí các thành viên trong đoàn phim đã ký nhưng cũng không giữ hợp đồng và quên luôn họ đã ký gì.
Chưa kể, các đoàn phim Việt cũng rất hay quên việc ký hợp đồng với các thành viên không quan trọng lắm hay các diễn viên phụ. Trong khi đó, một thực tế là các nhà phát hành trong nước không yêu cầu quá nhiều văn bản phức tạp về bản quyền.
Khi công nghiệp điện ảnh bắt đầu phát triển, việc thay đổi tư duy về bản quyền từ việc lập pháp cho tới thực tiễn thực hành của các hãng phim, các thành viên trong đoàn phim, các công ty phát hành và kinh doanh phim ảnh cho tới khán giả xem phim và người dân nói chung có thay đổi thì mới đẩy được công nghiệp điện ảnh phát triển.
Sưu tầm