Những tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng… sẽ có thời gian bảo hộ là 75 năm, tăng 25 năm so với quy định hiện hành.
Sáng 8/10, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phổ biến tại Hà Nội.
Theo đó, từ 1/1/2010 khi Luật có hiệu lực, tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là 75 năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên (quy định cũ là 50 năm).
Đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn 25 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là 100 năm, kể từ khi tác phẩm được định hình.
Đối với các tác phẩm không thuộc các loại hình trên có thời hạn bảo hộ là suốt đời tác giả và 50 năm tiếp theo sau khi tác giả qua đời. Trường hợp tác phẩm có đồng tác giả, thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ 50 sau khi năm đồng tác giả cuối cùng qua đời.
Thời hạn bảo hộ sẽ chấm dứt vào 24h ngày 31/12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Ông Lê Anh Tuyến, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) cho biết: Tăng thời gian bảo hộ quyền tác giả đồng nghĩa với việc kéo dài thời gian hưởng lợi từ tác phẩm đối với tác giả. Mục đích chính của các quy định mới này là khuyến khích cá nhân sáng tạo ra các tác phẩm có giá trị đáp ứng với các yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, cũng như thực hiện các cam kết của Việt Nam khi ra nhập WTO.
Bên cạnh đó, trong lần sửa đổi, bổ sung này, Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định rõ hơn đối với các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao gồm: Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân; trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình; trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu; trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại; sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu; biểu diễn tác phẩm sân khấu, loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi sinh hoạt văn hoá, tuyên truyền cổ động không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào…
Tuy nhiên, những quy định trên không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm tạo hình, chương trình máy tính.
Ngoài ra, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm phải không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường tác phẩm, không gây phương hại đến các quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; phải thông tin về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm.
Còn khi sử dụng tác phẩm đã công bố vào các mục đích như: tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào, tuy không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức nhuận bút, thù lao, quyền lợi vật chất khác và phương thức thanh toán do các bên thoả thuận. Trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại toà án theo quy định của pháp luật.
Nhưng khi tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào thì không phải xin phép và chỉ phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
Sưu tầm