Những năm gần đây, số lượng các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đang ngày một gia tăng, liên tục bị các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý. Thủ tục đăng ký và xét duyệt đơn trong khoảng thời gian dài, dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp gặp vướng mắc khi sử dụng thương hiệu chưa được bảo hộ.
Đánh giá từ Cục SHTT cho thấy, việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đang ngày càng chậm bởi số lượng đơn đăng ký ngày một nhiều (tăng khoảng 10% mỗi năm). Chỉ tính riêng trong 5 năm gần đây, Cục SHTT đã nhận được gần 400 nghìn đơn hoặc yêu cầu các loại, xử lý được gần 340 nghìn đơn, đạt tỷ lệ 86,7% tổng số đơn nhận được, cấp hơn 130 nghìn văn bằng bảo hộ SHCN, trong đó có 6.028 bằng độc quyền sáng chế, 466 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 6.648 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 118.922 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 23 giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý… Tuy nhiên, số lượng đơn tồn từ năm này qua năm khác vẫn còn rất nhiều. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp gặp những vướng mắc về mặt pháp luật trong quá trình chờ đợi đơn được xét duyệt. Một chủ doanh nghiệp kinh doanh về sản phẩm làm đẹp cho biết, năm 2014 đã gửi đơn đăng ký bảo hộ thương hiệu, lô-gô, hình ảnh. Nhưng sau khoảng hai năm chờ đợi mới nhận được thông báo từ Cục SHTT là đơn bị loại do có chứa yếu tố bị trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Trong quá trình hai năm chờ đợi đơn được duyệt, doanh nghiệp không thể ngưng hoạt động cho nên vẫn phải triển khai sản xuất các sản phẩm, phân phối ra thị trường. Nhưng với việc từ chối của Cục SHTT thì doanh nghiệp này đã xâm phạm quyền SHCN trong thời gian qua và buộc phải thu hồi toàn bộ sản phẩm, hoặc vẫn tiếp tục xâm phạm để kinh doanh và dần thay thế bằng một nhãn hiệu mới.
Nhiều doanh nghiệp đã gặp tình trạng nêu trên khi nghiên cứu ra một sản phẩm, đặt tên, thiết kế nhãn hiệu và mang đi bảo hộ, nhưng đều phải đợi một thời gian quá dài mà chưa biết có được duyệt hay không. Việc thẩm định đơn hiện nay đang mất quá nhiều thời gian, gây ra những thiệt hại không nhỏ tới các doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc bước đầu xác lập thương hiệu. Lý giải về công tác xử lý đơn chưa đáp ứng được yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, Phó Cục trưởng SHTT Lê Ngọc Lâm cho biết, nguyên nhân chính là do hệ thống công nghệ thông tin chưa được nâng cấp kịp thời trong khi dữ liệu ngày càng lớn, ảnh hưởng tốc độ tra cứu và xử lý. Bên cạnh đó, Cục SHTT đang thiếu nhân lực để xử lý đơn, các thiết bị đều đã lạc hậu và nguồn lực tài chính còn hạn chế do mức phí và lệ phí của Việt Nam lại quá thấp so với các nước khác, không đủ bù đắp các chi phí cho hoạt động thẩm định đơn đăng ký SHCN. Theo lãnh đạo Cục SHTT, số lượng giấy chứng nhận đăng ký sáng chế đã cấp được sử dụng rất ít, số lượng sáng chế bị vi phạm không nhiều. Nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm bớt khối lượng công việc thẩm định cóthể chuyển sang chế độ đăng ký. Theo đó, đơn được nộp chỉ cần qua thẩm định hình thức là được cấp bằng. Mọi tranh chấp sau này liên quan sáng chế sẽ được giải quyết thông qua khiếu nại hoặc tòa án. Mặt khác, hiện nay các giải pháp hữu ích là đối tượng chưa được quy định rõ ràng dẫn đến hiểu lầm về loại đối tượng. Cần có quy định rõ ràng, tách bạch đối tượng này với đối tượng sáng chế và có hướng dẫn rõ ràng về các tiêu chuẩn đối với giải pháp hữu ích. Bên cạnh đó cần công khai các thông tin liên quan tiến trình xử lý đơn sáng chế cũng như các vụ việc khiếu nại, tranh chấp, tạo sự công bằng trong mọi vấn đề liên quan đến SHTT.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh cho biết, nguyên nhân của ách tắc đơn còn đến từ các vướng mắc về việc các chính sách, pháp luật SHTT hiện nay tuy đã xử lý các vấn đề chuyên môn về bảo hộ và thực thi quyền SHTT, song vẫn chưa kết hợp một cách đồng bộ với các đạo luật liên quan như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ. Còn chậm cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình trong xác lập quyền sở hữu công nghiệp và một số quy định chưa được chi tiết, rõ ràng, dẫn đến việc chậm trễ, ách tắc trong công tác thẩm định đơn. Nhất là còn thiếu cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại như hệ thống quản trị đơn, cơ sở dữ liệu, công cụ tra cứu, trang thiết bị…
Theo lãnh đạo Cục SHTT, thời gian tới, cục sẽ tiến hành các giải pháp đồng bộ để nâng cao tốc độ xử lý đơn đăng ký SHCN thông qua việc triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống thông tin tích hợp phục vụ công tác thẩm định đơn đăng ký SHTT”, hoàn thiện quy định về phân cấp trong xử lý đơn, tăng cường đào tạo cán bộ và xây dựng hệ thống quản lý chất lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác, nhất là công tác quản trị đơn SHCN; triển khai việc nộp đơn điện tử trực tuyến và giao dịch với người nộp đơn qua mạng in-tơ-nét theo Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ.
Nguồn: Baomoi