Hai nhà phát triển phiên bản di động trò chơi Dota của hãng Valve đang phải đối mặt tranh luận trước tòa về việc Valve không có bản quyền hợp pháp đối với lịch sử phát triển của nó. Lịch sử Thẩm phán liên bang Charles Breyer thuộc tòa án quận Bắc California vừa đưa ra một bảng tóm tắt về lịch sử phát triển Dota, phủ nhận phán quyết tóm tắt cho nhà phát triển Heroes Charge là uCool. Breyer lý giải Dota đã ra đời năm 2002 với tư cách là 1 bản mod do Eul (tên thật: Kyle Sommer) tạo ra, nên anh ta có quyền đối với mọi “thiết lập, nhân vật, quy tắc và tên gọi” trong trò chơi này. Từ đó, năm 2003, các chuyên gia chế game (modder) bắt đầu tạo ra “những nhân vật tốt nhất, thú vị nhất từ tất cả các phiên bản khác của Dota” và tách riêng thành một bản mod gọi là Dota All-Stars. Guinsoo (tên thật: Stephen Feak) là người đã gánh vác nhánh phát triển này và tiếp thu, kết hợp các đóng góp của cộng đồng phát triển (không như Eul vốn chỉ làm việc độc lập). Đến 2005, vai trò phát triển chính của Dota All-Stars đã chuyển sang IceFrog (tên thật: Abdul Ismail). Sau một thời gian ngắn tạm ngưng để làm cho S2 Games với Heroes of Newerth, một game giống Dota, IceFrog đã được Valve thuê lại vào năm 2009. Năm 2010, anh đã bán bản quyền Dota 2 của mình cho Valve “với một mức giá đẹp”. Valve sau đó cũng thuê Eul và mua luôn quyền sở hữu trò chơi của người này. Trong khi đó, Guinsoo lại đầu quân cho Riot, hãng đang làm một game khác giống Dota là League of Legends. Riot mua quyền sở hữu của Guinsoo và bán lại cho Blizzard. Nhằm tránh những chung đụng về cái tên Dota, Blizzard và Valve đã thỏa thuận với nhau năm 2012. Theo đó, Valve có quyền đối với tên gọi Dota trong khi Blizzard được phép dùng nó để chỉ các bản mod cụ thể liên quan đến Warcraft và Starcraft (một dự án sau đó có tên Blizzard Dota phải đổi tên thành Heroes of the Storm).
Dota không phải là một “công trình tập thể”
Lịch sử trên đang bị mổ xẻ tường tận vì cả Valve và Blizzard đều đang khởi kiện Lilith và uCool, hai nhà phát triển tạo ra trò chơi Dota Legends và Heroes Charge bị cáo buộc vi phạm bản quyền Dota.
Trước tòa, uCool tranh cãi rằng Dota All-stars là một công trình tập thể, vì nó “đem hầu hết các tướng phổ biến trong Dota vào một game mới”. Thẩm phán Breyer không chấp nhận luận điểm này, cho rằng “với logic đó, Star Wars: The Force Awakens cũng là một công trình tập thể vì nó cũng thu thập những anh hùng nổi tiếng nhất của Star Wars, cũng như những bối cảnh và câu thoại thành một bộ phim mới.”
Đối lại, Breyer cho rằng “có nhiều bằng chứng ghi lại về việc Eul, Guinsoo và IceFrog là những kiến trúc sư trưởng đằng sau các phiên bản Dota and Dota All-stars”. Mặc dù họ có lấy cảm hứng từ những nguồn khác nhau cộng với những góp ý từ người khác, 3 người này mới
quyết định đóng góp nào sẽ được đưa vào game.
Vì vậy, bồi thẩm đoàn có thể kết luận rằng Eul, Guinsoo và IceFrog mới là tác giả của các biến thể trò chơi được nêu ra ở đây.
Dota có phải là game mã nguồn mở?
Mọi việc chưa dừng ở đây. Trong văn bản gốc của Thỏa thuận bản quyền người dùng cuối (EULA) của Warcraft III có nói: ”Các modder không có quyền sử dụng chức năng World Editor trong game vào mục đích thương mại, bao gồm nhưng không giới hạn quyền phân phối các bản mod thành một nền tảng độc lập hoặc đi chung với phần mềm hoặc phần cứng khác. Dù uCool chưa viện tới luận điểm này trước tòa, thẩm phán Breyer nói rằng việc Eul và IceFrog bán bản quyền Dota cho Valve “có vẻ được sử dụng với mục đích thương mại”. Vụ việc có thể rẽ sang hướng mã nguồn mở nhờ vào một bài đăng trên diễn đàn năm 2004, theo đó Eul đã từ bỏ mọi quyền lợi của anh ta đối với Dota. Trong bài viết đó, Eul khẳng định:
“Từ thời điểm này trở đi, Dota là game mã nguồn mở. Bất cứ ai muốn phát hành một phiên bản mới không cần xin phép tôi, tôi chỉ yêu cầu một cái gật đầu trong phần credit của game.”
Luận điểm này có thể diễn dịch là ai cũng có quyền xây dựng một bản Dota riêng cho họ trên bất cứ nền tảng nào, và có thể bán phiên bản có phần đóng góp của Eul. Hoặc đơn giản là Eul chỉ trao quyền “bản quyền hạn chế” cho các modder khác, chứ không phải cho một game độc lập dựa trên Dota. Mặt khác, bồi thẩm đoàn có thể kết luận rằng cụm từ ‘bất cứ ai’ ám chỉ một nhóm modder làm nên cộng đồng trực tuyến Dota không chính thức. Bài đăng của Eul, nói cách khác là chỉ nhắm tới những người đang xây dựng các thế giới tưởng tượng với mục đích giải trí chứ không phải là các công ty khai thác nó vì lợi ích tài chính.
Vì vậy, uCool không có quyền gì cả. Với bản phán quyết phủ nhận luận điểm của uCool, vụ việc dường như sẽ tiếp tục được đưa ra bồi thẩm đoàn, những người sẽ phải xem xét tất cả lịch sử của trò chơi này để quyết định xem quyền lợi của Valve có chính đáng hay không. Nếu điều đó bị phủ quyết, chúng ta có thể sẽ thấy hàng chục biến thể của Dota tràn ngập thị trường để ăn theo nguồn gốc game này.
Nguồn: caphesang