Nếu hành lang pháp lý – điều kiện cần trong thực thi bảo hộ quyền tác giả còn nhiều khoảng trống thì điều kiện đủ – nhận thức và ý thức của người dân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về nội dung này khó có thể cải thiện…
Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia khi góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan được tổ chức mới đây.
Băn khoăn về quyền sao chép
Trong quyền tác giả, sao chép được xem là quyền quan trọng và mấu chốt nhất đối với chủ sở hữu, đồng thời cũng là cơ sở quan trọng cho hoạt động của tổ chức quản lý. Điều đáng nói là những quy định về quyền sao chép trong các văn bản pháp luật ở nước ta còn khá nhiều khoảng trống. Trong thực tế, quyền sao chép không chỉ giới hạn trong hình thức truyền thống như in ấn, xuất bản mà còn thể hiện dưới hình thức sao chép hiện đại với các thiết bị kỹ thuật số hay lưu trữ điện tử trên các cơ sở dữ liệu. Song, theo các chuyên gia, có ít nhất 4 loại hình sao chép hiện đại không được giải thích trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), chính là điểm khó trong việc thực thi bảo hộ quyền tác giả.
Nếu như theo Công ước Berne và Điều 20 của Luật SHTT thì tác giả của các tác phẩm văn học, nghệ thuật có quyền sao chép và ngăn cấm sao chép dưới bất cứ hình thức nào trừ một số trường hợp đặc biệt gọi là giới hạn hay ngoại lệ. Điều đáng nói là việc quy định, giải thích về giới hạn, ngoại lệ này còn khá lỏng lẻo, tức là giới hạn bị thả nổi rất rộng dẫn đến nguy cơ quyền sở hữu bị xâm hại. Hiện nay, “sao chép dưới hình thức sao chụp diễn ra khá phổ biến và đang là nguy cơ đe dọa giết chết các nhà xuất bản vì không quản lý được quyền sao chép, không quy định được quyền sao chụp bao nhiêu” – Đại diện Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam Đoàn Thị Lam Luyến nhấn mạnh.
Hơn nữa, cũng theo quy định của pháp luật, giới hạn sao chép áp dụng cho các đối tượng nghiên cứu và đối tượng giảng dạy là một bản. Thế nhưng, “chữ một bản là vô cùng nguy hiểm đối với chủ sở hữu quyền, bởi số lượng người nghiên cứu và giảng dạy là rất lớn” – một chuyên gia nhận định. Do vậy, cần phải sửa đổi quy định này theo hướng chỉ trong trường hợp đặc biệt, ngoại lệ mới được quyền sao chép, đồng thời xác định cụ thể đó là trường hợp nào chứ không thể phân phối cho nhiều đối tượng.
Xung quanh về vấn đề này, Ts Vũ Đặng Hải Yến – Giảng viên ĐH Luật Hà Nội cũng cho rằng, giới hạn về quyền tác giả còn chưa khoa học và thiếu tính logic ở chỗ Luật SHTT còn bỏ ngỏ quy định về trường hợp sao chép để sử dụng trong thư viện có được phép nhiều hơn một bản hay không. Trong khi đó, Nghị định 100/2006/NĐ-CP lại quy định sao chép trong thư viện không được quá 1 bản. Điều đó có nghĩa là trong cùng trường hợp về giới hạn quyền tác giả mỗi văn bản lại quy định một kiểu khiến cho việc áp dụng trên thực tiễn lại càng rắc rối hơn.
Khó bảo vệ toàn vẹn tác phẩm
Theo quy định của Luật SHTT, việc sửa chữa, cắt xén hay xuyên tạc các tác phẩm dưới bất cứ hình thức nào gây phương hại đến danh dự, uy tín của tác giả đều là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Song, trên thực tế cũng có những hành vi cắt xén, sửa chữa tác phẩm không ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của tác giả đối với tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là: liệu hành vi đó có hợp pháp hay không? Rõ ràng, rất khó bảo vệ toàn vẹn tác phẩm cũng như quyền tác giả nếu như hành lang pháp lý còn nhiều khoảng trống như vậy!.
Nhằm bảo đảm tối đa quyền của tác giả đối với tác phẩm, việc xác định rõ nội hàm khái niệm tác phẩm phái sinh cũng vô cùng quan trọng. Tại cuộc họp lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả và quyền liên quan do Cục Bản quyền tác giả tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, quy định phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi làm tác phẩm phái sinh trái pháp luật sẽ khó khả thi nếu không chú giải rõ thế nào là “tác phẩm phái sinh”. Mặc dù khái niệm này đã được giải thích tại khoản 8 Điều 4 Luật SHTT theo hướng liệt kê song việc chưa có giải thích cụ thể về các loại hình này đã dẫn tới nhiều tranh cãi trong thời gian qua, khiến việc lợi dụng lỗ hổng của luật để thực hiện hành vi vi phạm cứ ngày một tăng dần lên.
Thực tế cho thấy, có khá nhiều tác phẩm âm nhạc dù đã bị thay đổi lời hát nhưng vẫn được chấp nhận, thậm chí còn được xuất hiện trên truyền hình, tại những nơi công cộng vì vậy việc áp dụng chế tài xử phạt đối với trường hợp này là rất khó khả thi. Trước đó, Nghị định 76 vốn đã hết hiệu lực lại có những giải thích cặn kẽ về các loại hình này, đơn cử như tác phẩm phóng tác được sáng tạo ra dựa theo nội dung của một tác phẩm đã có, tác phẩm cải biên được sáng tạo ra trên cơ sở một tác phẩm gốc bằng cách thay đổi hình thức diễn đạt. Nên chăng, đưa phần giải thích về các loại hình tác phẩm phái sinh trong Nghị định này vào các văn bản dưới luật sẽ giảm bớt được phần nào tình trạng vi phạm tràn lan như hiện nay.
Siết chặt chế tài
Những vi phạm về quyền tác giả và quyền liên quan trên mọi lĩnh vực đang là vấn đề gây bức xúc dư luận, cần thiết phải áp dụng những hình thức xử phạt nghiêm, trong đó có hình thức phạt tiền. Thế nhưng, khó có thể định giá được giá trị tài sản đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Theo tổng hợp của Thanh tra Bộ VH – TT và DL, tất cả 63 Thanh tra Sở VH – TT và DL trong cả nước chưa xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với các điều mà Nghị định 47/2009/NĐ-CP yêu cầu phải xác định giá trị hàng hóa vi phạm. Chính vì vậy, Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính đang được đưa ra lấy ý kiến đã bổ sung hình thức phạt tiền đối với một số hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong trường hợp không xác định được hàng hóa vi phạm. Đơn cử, đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 10 đến 90 triệu đồng, phạt từ 20 đến 80 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm quyền sao chép chương trình phát sóng.
Mặc dù có những quy định mới, răn đe các trường hợp vi phạm nhưng dường như Dự thảo này vẫn còn nhẹ tay đối với hành vi sử dụng tác phẩm để biểu diễn trực tiếp mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả khi quy định mức phạt chỉ từ 2 đến 4 triệu đồng. “Phạt như thế là quá thấp và chưa tương xứng, cần điều chỉnh theo hướng tăng nặng. Có như vậy, quyền tác giả mới được bảo đảm tuyệt đối” – một chuyên gia nhấn mạnh.
Sưu tầm