Trong những năm qua, trong vô vàn các vụ kiện tụng liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ, có thể thấy một số vụ kiện khá đặc biệt ở nước ngoài và kết quả giải quyết chúng được nêu dưới đây có thể giúp chúng ta suy ngẫm cho công việc thường nhật của mình.
Năm 2016 Công ty Apple (Hoa Kỳ) đã nộp đơn đến toà án Trung Quốc kiện Công ty Xiutong Tiandi (Trung Quốc). Lý do là Công ty này đã sử dụng từ “iPhone” trên các sản phẩm túi xách, bao điện thoại và các sản phẩm làm bằng da khác xâm phạm quyền đối với các nhãn hiệu “iPhone” mà công ty Apple cho là đã nổi tiếng trên thế giới cho điện thoại thông minh và các sản phẩm liên quan.
Tuy nhiên toà án Trung Quốc đã xử thua cho người khổng lồ Apple với lý do là Apple không đủ bằng chứng để chứng minh “iPhone” là nhãn hiệu nổi tiếng tại Trung Quốc trước khi Công ty Xiutong Tiandi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu năm 2007. Trong thực tế, điện thoại “iPhone” của Apple chỉ được bán tại Trung Quốc từ năm 2009.
Vụ kiện trên làm nhớ lại vụ Công ty Vinataba của Việt Nam năm 2000 nộp đơn kiện Công ty thuốc lá Sumatra của Indonesia lên Cục Nhãn hiệu Trung Quốc đòi huỷ bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “VINATABA” mà Cục này đã cấp cho Công ty Indonesia. Lý do đưa ra là “VINATABA” là nhãn hiệu thuốc lá nổi tiếng của Việt Nam, được sản xuất và đăng ký bảo hộ tại Việt Nam từ những năm 80 của thế kỷ trước và Công ty Sumatra từng là đối tác của Vinataba. Sự việc kéo dài, với hàng loạt các bằng chứng từ phía Việt Nam. Cùng với sự can thiệp từ các cơ quan ngoại giao và cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam có lúc tưởng chừng như Công ty Vinataba đã có thể đòi lại được nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, cuối cùng phán quyết của phía Trung Quốc là: Nhãn hiệu thuốc lá “VINATABA” có thể nổi tiếng ở Việt Nam nhưng không được coi là nổi tiếng ở Trung Quốc vì hầu hết người Trung Quốc không biết gì đến nhãn hiệu này. Công ty Vinataba chịu thua cuộc vì sự chậm trễ trong bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài tiềm năng này và đành tiếp cận thị trường Trung Quốc bằng việc phải tạo ra và đầu tư cho một nhãn hiệu mới.
Những ai từng xem loạt phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) của hãng Lucasfilm đều nhớ đến một đội quân hư cấu “Storm troopers” với chiếc mũ bảo vệ đặc biệt đội trên đầu. Tạo ra hình dáng chiếc mũ này là nhà thiết kế Ainsworth. Khi các nhân vật đội chiếc mũ này được quay vào phim thì nhà thiết kế cũng bắt đầu tự sản xuất và bán ra hàng loạt mũ với kiểu dáng đó.
Hãng Lucasfilm đã kiện ra toà án Hoa Kỳ cáo buộc Ainsworth đã vị phạm bản quyền của mình vì khi thiết kế mũ ông là nhân viên của hãng, nên kiểu dáng trên phải là của Lucasfilm.
Tuy nhiên toà đã ra phán quyết rằng, kiểu dáng mũ đội của đội quân “Storm troopers” mang tính chức năng nhiều hơn là tính mới sáng tạo nên không có khả năng được bảo hộ. Do đó ông Ainsworth không xâm phạm quyền của Lucasfilm.
Hai cuốn sách “The Holy Blood &The Holy Grail” (tạm dịch: Máu Thánh và Chén Thánh) và “The Da Vinci Code” (Mật mã Da Vinci) đều được viết dựa trên giả thuyết lịch sử là Holy Grail là dòng dõi huyết thống của chúa Jesus Christ và Marry Magdalene, họ được coi là đã kết hôn và có con với nhau. Điều này trái với giáo lý của nhà thờ Thiên chúa giáo.
Bagent và Leigh là tác giả của “The Holy Blood & The Holy Grail”, cuốn sách bestseller trước đó, đã kiện Dan Brown là tác giả của cuốn “The Da Vinci Code” (sau được chuyển thể thành phim) ra toà với lý do là đã xâm phạm quyền tác giả của mình.
Tuy nhiên Toà án tối cao Vương Quốc Anh đã bác bỏ đơn kiện này với phán quyết rằng, những nội dung nghiên cứu hay giả định về lịch sử không có khả năng bảo hộ là quyền tác giả, do đó Dan Brown không vi phạm quyền của bên khiếu kiện.
Một công ty sản xuất quần áo thể thao của Trung Quốc đã sử dụng tên của cầu thủ bóng rổ nổi tiếng Hoa Kỳ là Jordan (viết dưới dạng chữ Hán và phát âm là Qiaodan) cho sản phẩm của mình. Michael Jordan không đồng ý cho công ty trên sử dụng tên mình để làm nhãn hiệu và cũng không chịu hợp tác với họ bằng bất kỳ hình thức nào. Cầu thủ này đã kiện công ty trên ra toà án Trung Quốc để bảo vệ tên gọi của mình.
Sau khi xem xét toà án đã ra phán quyết chấp nhận khiếu kiện trên và cấm công ty Trung Quốc sử dụng tên Jordan bằng chữ Hán, tuy nhiên lại cho phép công ty này vẫn tiếp tục được sử dụng mẫu la- tinh hoá của tên trên là “Chee – ow – dahn”.