Chiều 22/3, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã tiếp ông Francis Gurry, Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO), nhân dịp ông đang thăm, làm việc tại Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Tuy vậy, Việt Nam đã nỗ lực hoàn thiện thể chế liên quan đến vấn đề này để triển khai thực hiện trong đời sống xã hội.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Do đó, việc hoàn thiện các thể chế, chính sách để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa là rất cần thiết.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh việc thực thi các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan ở Việt Nam tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng sẽ phải thực hiện nghiêm túc, quyết liệt để tạo điều kiện cho công nghiệp văn hóa phát triển. Các cơ quan chức năng ở Việt Nam sẽ tiến hành đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức để cộng đồng hiểu, tôn trọng và thực hiện.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện bày tỏ mong muốn Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới tiếp tục tạo điều kiện giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, quyền liên quan, đặc biệt là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam hội nhập quốc tế sâu rộng hơn về lĩnh vực này…
Tổng Giám đốc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới Francis Gurry khẳng định sẽ luôn hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Ông cho rằng việc thực hiện sở hữu trí tuệ, bản quyền tác giả là không dễ dàng bởi điều khó khăn là phải cân bằng giữa quyền của người sáng tác, biểu diễn và quyền tiếp cận của công chúng đối với các sáng tác mới.
Ông Francis Gurry chia sẻ mức sống của người dân châu Á, trong đó có Việt Nam ngày càng tăng do đó công nghiệp văn hóa sẽ phát triển rất mạnh. Việc thực hiện nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan rất quan trọng, tác động tích cực đến quá trình thực hiện công nghiệp văn hóa, tận dụng các cơ hội kinh tế mà ngành công nghiệp này mang lại.
Nhân dịp này, ông Francis Gurry mong muốn Việt Nam xem xét, tham gia một số hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, trong đó có Hiệp ước Marrakes về tạo điều kiện cho người mù, người khiếm thị và người khuyết tật thị giác khác tiếp cận tác phẩm đã công bố…
Việt Nam hiện chưa tham Hiệp ước Bắc Kinh và Hiệp ước Marrakesh nhưng nhiều quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ đã có nội dung tương thích với các quy định của hai Hiệp ước này.
Đặc biệt, việc gia nhập Hiệp ước Marrakesh không chỉ nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ bản quyền mà còn mở rộng cơ hội cho người khiếm thị và người không có khả năng đọc được tham gia vào đời sống văn hóa, thưởng thức nghệ thuật và chia sẻ tiến bộ khoa học.
Ở Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam là đơn vị đầu tiên cho ra đời Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc. Trung tâm này đã góp phần hình thành thói quen xin phép và trả phí khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc, việc này đã đi vào nền nếp rất tốt. Tiếp đó, ở Việt Nam đã cho ra đời Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam; Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam./.
Sưu tầm